Nội dung Làng giáo có gì vui

Tiếng chuông đầu tiên

Vào khoảng ba giờ đêm cuối tháng 3 năm 1987, một công chức ở Thành phố Hồ Chí Minh gọi điện cấp báo đến văn phòng Công đoàn giáo dục Việt Nam ghi nhận đơn xin nghỉ việc của 2.105 giáo viên trong vòng mấy tháng qua tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Mấy ngày sau đó, các tỉnh phía Nam công điện liên tục tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời với Công đoàn giáo dục Việt Nam về tình trạng giáo viên nghỉ việc. Giai đoạn 1986–1987, thống kê ước tính số giáo viên các tỉnh miền Nam nghỉ việc lên tới vạn vì tiền lương không đủ sinh sống. Vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được vài tháng, Phạm Minh Hạc cấp tốc đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm giải pháp ngăn chặn giáo viên bỏ nghề.

Ngày 7 tháng 8 năm 1987 trên báo Nhân Dân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh kêu gọi quan tâm đến đời sống nhà giáo trong chuyên mục Những việc cần làm ngay. Các biện pháp cứu trợ nhanh chóng được chính quyền địa phương trên toàn quốc thực hiện, hầu hết số giáo viên xin nghỉ việc quay trở lại giảng dạy. Theo kết luận từ tác giả, đội ngũ giáo viên hao hụt do nguyên nhân một phần từ xã hội tín nhiệm họ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, nhưng phần đông là do tâm can họ không còn trên bục giảng vì chuyện gạo củi. Hiện tượng nhiều giảng viên đại học sốt sắng xin được giảng dạy ở châu Phi trong vai trò chuyên gia xuất hiện phổ biến.

Định nghĩa mới về nghề thầy

Trong một lần đến một trường học ở nông thôn, Hoàng Minh Tường và các giáo viên tại đây bàn luận về định nghĩa nhà giáo. "Thầy giáo là người nông dân có nghề phụ là nghề dạy học" được đúc rút, nguyên nhân do giáo viên làm ruộng lúa ở nông thôn và làm nghề phụ nếu ở thành phố. Trong một lần ra đảo Phú Quốc năm 1986, các nhà giáo nói rằng giáo viên muốn sống được thì cần phải đi biển đánh cá hoặc trồng hồ tiêu. Sau đó, Hoàng Minh Tường trở lại Đồng bằng sông Cửu Long và tiếp xúc rất nhiều nhà giáo nuôi lợn, làm vườn, gieo trồng lúa. Sau khi thực địa Đồng bằng sông Hồng và chứng kiến nhiều giáo viên tranh thủ làm ruộng khoán, tác giả sửng sốt bối cảnh tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu diễn ra ba mươi năm trước đang lặp lại. Một số khu vực gần làng gốm Bát Tràng, nhiều giáo viên đến xin làm phụ trong làng nghề. Người bạn Đỗ Ngọc Quang gửi thư từ thành phố Cần Thơ đề cập cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoa dạy giỏi, đồng thời nêu thực trạng người chồng cô Hoa là hiệu phó trường phổ thông cơ sở nhưng vẫn phải tranh thủ đi xe đạp chở khách kiếm tiền thêm.

Những nghịch lý có thực

Tính đến năm 1987, ngành giáo dục Việt Nam đã tiến hành thay sách giáo khoa được bảy năm, ước tính số giáo viên nắm vững chương trình giảng dạy mới không vượt quá 50%. Trong chương trình sách giáo khoa lớp bảy, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong nhiều bài tập và nhiều chương. Hoàng Minh Tường cho rằng cải cách giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và cơ sở vật chất, nhưng thực tế lại tiến hành ngược lại khi đội ngũ giáo viên hoàn toàn bị động và chưa kịp tiếp cận giáo trình sách mới. Phòng giáo dục quận Hoàn Kiếm cho biết hầu như giáo viên trung học cơ sở không được phân nhà ở tại thành phố Hà Nội, các giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương cho biết "chuyện được phân nhà với chúng tôi là một ảo tưởng". Căn hộ gia đình vợ chồng thầy giáo Vũ Xuân Túc—dạy học tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam— tại phố Bùi Thị Xuân rộng sáu mét vuông, khách và chủ nhà không thể đứng thẳng vì chạm trần nhà. Thầy giáo Vũ Xuân Túc cho biết không thấy học trò giỏi của mình thi vào sư phạm mấy năm gần đây, trong khi trưởng phòng giáo dục thị xã Hải Dương nêu tình cảnh không có học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm. Chánh thư ký công đoàn giáo dục tỉnh Hải Hưng Trịnh Dưỡng nhận định tình cảnh hiện tại lực bất tòng tâm. Giáo viên được nhận đồng loạt mỗi tháng năm lạng đường và hai cân gạo theo chế độ lương cũ trước đó, bây giờ các tiêu chí cũ bị bãi bỏ và chỉ trả bằng tiền mặt. Các báo cáo ghi nhận giáo viên mắc bệnh nghề nghiệp, trong khi sư phạm vẫn chưa được coi là một nghề lao động đặc thù. Nhiều trường học xiêu vẹo và dột nát, trong khi kế bên là một trụ sở ủy ban hoặc một hội trường bề thế.

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Trong một lần đến thăm trường Bắc Lý—nơi khai sinh khẩu hiệu "Tất cả vì tương lai con em chúng ta", Hoàng Minh Tường cùng một nhà giáo dục tranh luận về khẩu hiệu này. Đề xuất bỏ cụm từ "tương lai" vì cần sống cho hiện tại, hoặc đề xuất thay đổi "Tất cả vì chúng ta và con em chúng ta". Điển cố thầy đồ Nguyễn Phi Khanh dạy học ở tư gia Tư đồ Trần Nguyên Đán nói về sự quý trọng nhà giáo của tiền nhân. Nhiều ngôi trường mái ngói đỏ hoặc cao tầng do người dân đóng góp và xây dựng. Tại trường mầm non Hoa Sứ của nhà máy sứ Hải Dương, 21 cô giáo ngoài tiền lương của ngành giáo dục thì được nhà máy phụ cấp ăn trưa và tiền thưởng tăng giờ cùng với nhà ở. Tại trường trung học phổ thông kỹ thuật Gang thép Thái Nguyên, công ty Gang thép Thái Nguyên cho nhà trường sắt vụn để giảng dạy hướng nghiệp. Tác giả cho rằng nhà giáo sống bằng sự hảo tâm của người dân, nhưng rồi sự hảo tâm cũng có giới hạn và nhà giáo cần thực sự sống được bằng đồng lương của họ. Bút ký kết luận cần phải xem lại chế độ chính sách với ngành giáo dục, đồng thời đề nghị các hợp tác xã và cơ quan nhiều doanh thu nên có một phần nghĩa vụ đóng góp cho giáo dục.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Làng giáo có gì vui http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/van-ho... http://baoquangngai.vn/channel/7942/201602/cai-nam... http://vanhoanghean.com.vn/index.php?option=com_k2... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://daidoanket.vn/diem-cua-nguoi-lam-thay-38347... http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists... http://tailieuso.udn.vn/bitstream/TTHL_125/4970/2/... https://web.archive.org/web/20140306210431/http://... https://web.archive.org/web/20140308001114/http://... https://web.archive.org/web/20171108130644/https:/...